NGHỆ THUẬT TRONG MẮT MỖI NGƯỜI

1. Giới thiệu về bộ phim “L’amant”
1.1 Sự tranh cãi và ý kiến trái chiều về bộ phim
Bộ phim “L’amant” (Người Tình) của đạo diễn Jean-Jacques Annaud đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều kể từ khi ra mắt. Nhiều người tự hỏi “Không phải đó là phim nóng sao?” “Nghệ thuật đâu chẳng thấy, chỉ thấy toàn cảnh nóng” dù trên thực tế họ có lẽ chưa từng xem bộ phim này, hay thực sự xem nó từ đầu đến cuối.
Nhưng đổi lại, khi ai đó hỏi những người yêu thích bộ phim này lý do vì sao, họ sẽ có thể ngồi thao thao bất tuyệt hàng giờ đồng hồ. Bởi Sài Gòn và dòng Mê Kông hiện lên quá đẹp và thơ trong bộ phim Pháp, bởi diễn biến cảm xúc phức tạp của hai nhân vật chính mà tôi biết rằng bước ra từ câu chuyện thật giữa nữ văn sĩ nổi tiếng người Pháp Marguerite Duras và Trần Thủy Lê xứ Sa Đéc trước kia. Và bởi, ở những phút cuối cùng của bộ phim, khi nhân vật nữ chính - cô gái trẻ ngồi bệt xuống sàn tàu, lần đầu tiên bật khóc, và cứ khóc mê mải như vậy trong bản nhạc của Chopin mà ai đó đang độc diễn khi nhận ra mình đã mất đi tình yêu đầu đời. Những người yêu thích “L’amant” chắc chắn đã xem đi xem lại cuốn phim không biết bao nhiêu lần, chỉ để đắm mình vào khung cảnh buồn bã nhưng rất điện ảnh ấy. Thì ra, trải nghiệm nghệ thuật của một người, lại có thể mãnh liệt và ám ảnh đến vậy.
Khi mới ra mắt," “L’amant” là tâm điểm của giới phê bình, người thích, kẻ ghét, người chê, kẻ khen. Nhưng một đề cử Oscar đã đủ nói lên đây nhất định không phải bộ phim “vô nghĩa” như một số phản hồi ở thời điểm đó. Nhiều người cũng đã nằm trong số người xem đồng cảm với bộ phim và thấy vẻ đẹp văn hóa trong nhiều thước phim, nhưng điều này không đồng nghĩa bất cứ ai, dù đã xem nó hay không cũng sẽ đều đồng tình.
Mỗi khi xem một tác phẩm nghệ thuật, bạn có bao giờ tự hỏi liệu ai đó cũng cảm nhận giống hệt bạn khi cùng xem nó? Tương tự với “L’amant”! Tại sao với cùng một bộ phim, mỗi người lại có hướng nhìn và phân tích tính nghệ thuật của nó khác nhau đến vậy?
2. Sự khác biệt trong nhận thức nghệ thuật
Theo kết quả nghiên cứu từ đại học Oxford, sự đánh giá nghệ thuật của con người phụ thuộc vào rất nhiều những yếu tố ảnh hưởng khác nhau, bao gồm tác động của môi trường xung quanh ở thời điểm đó và những trải nghiệm cũng như cảm xúc ta có. Bên cạnh đó, khi thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật, nhiều vùng trên não bộ tương tác với nhau để giúp hình thành những đánh giá phức tạp. Điều này cho thấy cách tiếp cận một tác phẩm nghệ thuật ở bất cứ hình thức nào không chỉ đơn giản nằm ở việc ngắm nhìn, nghe và hoặc cảm thụ hoặc không thể cảm thụ, mà cả cơ thể và cảm xúc của bạn đang thực sự vận động rất mạnh mẽ để tiếp nhận thông điệp mà bức vẽ, bộ phim hay bức ảnh đó truyền tải.
Bản thân nghệ thuật thể hiện thế giới chủ quan của người sáng tạo thông qua những “ngôn ngữ” khác nhau. Người qua câu từ, người qua những tấm ảnh, thước phim, người qua âm thanh, người qua những bức vẽ… vì vậy, bản chất của việc đánh giá thế giới chủ quan của môt người đẹp hơn so với của người khác không là điều gần như phi lý. Tuy nhiên, dù có phải một nhà phê bình chuyên nghiệp có kiến thức sâu rộng về nghệ thuật hay chỉ đơn thuần là một người “ngoại đạo”, bạn hoàn toàn có khả năng cảm thụ một tác phẩm nghệ thuật nếu những trải nghiệm hay cảm xúc của bạn đồng điệu với chủ nhân của tác phẩm đó. Và với tôi, đó chính là nhận thức nghệ thuật cá nhân.
3. Thưởng thức nghệ thuật một cách văn minh
Cũng như cá tính, sở thích và kinh nghiệm của chúng ta, nhận thức nghệ thuật là quan niệm hoàn toàn mang tính cá nhân và bản năng. Điều đó giải thích cho những cảm quan của tôi về bộ phim “L’amant” khác với nhiều người khác, cũng như việc cùng là bức tranh Mona Lisa của Leonardo da Vinci, người thì tin rằng nàng Mona Lisa thực ra là một người đàn ông, trong khi số khác khẳng định đó là một phụ nữ quý tộc mang vẻ đẹp phúc hậu. Thay vì một mực khẳng định niềm tin của mình, chìa khóa của việc thưởng thức nghệ thuật một cách văn minh nằm ở sự chấp nhận nhận thức nghệ thuật khác nhau của mỗi người, và đồng thời cho phép bản thân tiếp cận mỗi tác phẩm nghệ thuật theo đúng cảm xúc của bạn.
Bởi, suy cho cùng, đó là nơi sự sáng tạo ra đời.
Tìm hiểu thêm về thế giới nghệ thuật với các tác phẩm đầy thú vị của Lady Maja tại đây.
Lady Maja - Tranh Việt, Văn hóa Việt
--------------------------------
Liên hệ Lady Maja:
Email: lienhe@ladymaja.com
Facebook: #ladymaja.art
Zalo: 0325736689 (Lady Maja)
Hotline: 0287.105.6689