LMJ logo

BÍ MẬT CỦA POP ART

Blog
30 tháng 5 2024

1. Nghệ thuật dành cho số đông 

Hãy tưởng tượng lon Coca Cola bạn uống hàng ngày cũng có thể trở thành “nàng thơ” trong mắt một nghệ sĩ. Và nghệ sĩ đó, không ai khác là Andy Warhol. Lần đầu tiên trong lịch sử nghệ thuật, Andy Warhol và nhiều nghệ sĩ cùng thời vứt bỏ những ranh giới giữa một thế giới nghệ thuật “cao cấp” và xa vời, nơi chủ đề thường đến từ trí tưởng tượng phong phú của người nghệ sĩ thay vì những gì người ta có thể mắt thấy, tai nghe, hay thậm chí… uống hàng ngày như một lon Coca Cola.

Lon nước ngọt mang tính biểu tượng của chủ nghĩa tiêu thụ nước Mỹ nghiễm nhiên bước chân vào hội họa cũng là lúc phong trào Pop Art và những họa sĩ gắn với phong trào này trở thành ngôi sao mới của nghệ thuật đương đại. Lần đầu tiên xuất hiện ở Anh vào những năm 1950 và lan đến Mỹ vào những năm 1960, Pop Art khi mới xuất hiện thậm chí không được coi như “nghệ thuật”, mà giống những tác phẩm thấp kém, vô nghĩa nhiều hơn. Với giới phê bình nghệ thuật, Pop Art không mang lại giá trị theo cái cách người ta có thể bán những sáng tác này ở các phiên đấu giá nghệ thuật bạc triệu. Với những cảnh giới ngấm ngầm như vậy, Pop Art tìm thấy cho mình sân chơi nơi các nghệ sĩ của phong trào này có sự tự do nhất định để vẽ bất cứ thứ gì mình muốn. Các nghệ sĩ định hình Pop Art Eduardo Paolozzi và Richard Hamilton ở Anh, Larry Rivers, Ray Johnson, Robert Rauschenberg và Jasper Johns, Andy Warhol hay Roy Lichtenstein tại Mỹ chẳng ngần ngại thể hiện phản ứng của mình với những tư tưởng cổ lỗ lúc bấy giờ, cả trong cuộc sống lẫn nghệ thuật. 

Từ phong trào phản đối các chủ đề nghệ thuật mang tính lịch sử truyền thống cho đến quảng bá rộng rãi những hình ảnh và sản phẩm được sản xuất hàng loạt của xã hội đương đại… Pop Art từ một sự phản kháng biến thể thành năng lượng sáng tạo cho cỗ máy tiêu thụ khổng lồ của các quốc gia tư bản. Những hình ảnh mang tính thương mại, những món đồ tầm thương, những định nghĩa về chủ đề, chủ thể, thậm chí “khắc họa” những nhân vật nổi danh của văn hóa đại chúng với bảng màu ấm nóng, các họa sĩ Pop Art coi đây là mảnh đất màu mỡ cho việc tái định nghĩa một thế giới nghệ thuật gần gũi hơn, bớt câu nệ hơn, và thực tế hơn. Họ tiếp cận chủ đề trực diện, tách biệt với cảm xúc, nhấn mạnh vị trí của nghệ thuật nên là thứ gì đó ai cũng có thể cảm nhận và trân trọng.

2. Xu hướng “bất tử” mang tên Pop Art 

Nói “bất tử” là bởi chủ nghĩa tư bản và tiêu thụ kể từ thập niên 1950 chưa hề có dấu hiệu suy giảm hay hạ nhiệt. Trái lại, khi những tấm hình quảng cáo, những biển hiệu poster càng phủ sóng khắp ngõ ngách phố xá ở những thành phố thương mại trên thế giới, những lon Coca Cola vẫn được bày trên kệ đồ siêu thị… thì nghệ sĩ và nhà thiết kế vẫn còn cả một vũ trụ “chủ đề” để làm nguồn cảm hứng cho các tác phẩm Pop Art đương đại của mình. 

Khi nghĩ đến Pop Art, người ta thường sẽ liên tưởng đến gần như ngay lập tức những hình ảnh mang tính biểu tượng như Marilyn Monroe hay lon soup Campbell của Andy Warhol, với những màu sắc sặc sỡ, biểu hiện khuôn mặt nét và sống động, cảm xúc trực diện và thậm chí những dòng chữ xuất hiện trên tranh… Ngày nay, xu hướng này kế thừa tất cả những yếu tố đã trở thành đặc trưng của Pop Art, với họa sĩ và các nhà thiết kế ở mọi lĩnh vực có đủ thể loại công cụ để sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật thay vì chỉ có cây cọ vẽ và tấm canvas. Từ thiết kế sản phẩm cho đến trang trí nội thất, Pop Art như một thứ ma thuật thổi vào thế giới xung quanh chúng ta một bảng màu mới, tươi sáng hơn, tích cực và hài hước hơn. 

Đặc biệt, nội thất Pop Art như các tác phẩm tranh và poster theo phong cách Pop Art cũng trở thành xu hướng trang trí nổi bật trong vài năm trở lại đây. Đó là những tác phẩm dành cho người táo bạo, thích sự khác lạ, thích màu sắc hay chỉ đơn giản là tìm kiếm một điểm giữa nghệ thuật và cuộc sống thường nhật. 

Tìm kiếm các tác phẩm Pop Art cho ngôi nhà của bạn tại Lady Maja nhé.

Lady Maja - Tranh Việt, Văn hóa Việt 

-----------------------------------

Liên hệ Lady Maja:

Email: lienhe@ladymaja.com

Facebook: #ladymaja.art

Zalo: 0325736689 (Lady Maja)

Hotline: 0287.105.6689